Bị vu khống Zoya Anatolyevna Kosmodemyanskaya

Trong thập niên 1980, 1990, vào thời "cải tổ" ở Liên Xô, khi phong trào "xét lại lịch sử" lên cao, một nhà văn tên là A. Zhovtis đã đăng một bài báo trên tờ "Luận chứng và sự kiện" - số 38/1991 nhằm "đính chính lại một số tình tiết trong vụ việc Zoya". Trong số 45 cũng tờ "Luận chứng sự kiện", có đăng phản hồi của bác sĩ trưởng Trung tâm y học tâm thần trẻ em A. Melnikov cùng với 2 cộng sự là S. Yureva và N. Kasmelson. Mấy bác sĩ này tuyên bố rằng trước chiến tranh, Zoya đã nhiều lần nằm điều trị ở bệnh viện Kashenko với chẩn đoán bị tâm thần phân liệt. Ngay lập tức, nhiều người coi đó là bằng chứng cho thấy Zoya bị bệnh lý tâm thần chứ không phải nữ anh hùng. Đến tháng 12/2016, một "bác sĩ tâm lý" tên là Andrey Bilzho cũng đưa lên báo những luận cứ tương tự.

Trước sự xuyên tạc và phỉ báng nhân vật lịch sử, các chuyên gia sử học đã đưa ra các bằng chứng bác bỏ những lời vu khống trên. Zoya đúng là có một thời gian nằm viện, nhưng không phải ở bệnh viện tâm thần Kashenko, mà là bệnh viện mang tên Botkin, nơi không hề có khoa tâm thần. Sau khi rời khỏi bệnh viện Botkin, Zoya tiếp tục phục hồi ở nhà nghỉ dưỡng "Sokolniki" (từ 24/1-4/3/1941). Nhà sử học Aleksandr Dyukov cho biết thêm: giấy xuất viện cho biết Zoya có thể quay lại trường học. Andrey Bilzho cũng không thể tiếp xúc được với các tài liệu lưu trữ về bệnh nhân Zoya Kosmodemyanskaya như ông này tự nhận, bởi thời gian lưu trữ bệnh án chỉ có 25 năm.

Trong bài báo vạch ra sự vu khống nữ anh hùng Zoya, tác giả đã bình luận[4]:

"Nếu đối với một người còn sống, thì hành động (xuyên tạc) đó có thể gọi là rất đê tiện. Còn đối với một cô gái trẻ 75 năm trước đã chịu một cái chết đớn đau bởi bàn tay của quân phát xít, thì hành động đó đã được nhiều sử gia và nhà nghiên cứu gọi là sự hèn hạ"